Mở đầu Hồ Chí Minh (với bút danh XYZ) viết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Cán bộ là cái gốc của công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Người nêu yêu cầu với cán bộ như sau:
Cán bộ phải có đạo đức cách mạng: Đạo đức là cái gốc của con người; ngoài đạo đức ra, cán bộ còn phải có tài, có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Cán bộ phải có lòng trung thành với Đảng, tổ chức, nhân dân. Cán bộ phải giữ quan hệ máu thịt với nhân dân, phải là người giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục. Phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, đứng mũi chịu sào, hy sinh lợi ích riêng để phục vụ nhân dân.
Cán bộ phải luôn học tập nâng cao trình độ, học trong mọi môi trường, mọi hoàn cảnh. Cán bộ phải có năng lực tổ chức thực hiện đường lối, biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Cán bộ phải có phong cách tốt, nói đi đôi với làm, không quan liêu mệnh lệnh, phô trương hình thức, phải làm tốt công tác dân vận: chân đi, tai nghe, mắt thấy, miệng nói, tay làm.
Công tác cán bộ có vai trò hết sức quan trọng. Người yêu cầu cần làm tốt các công việc sau đây:
Một là, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.
Hai là, coi trọng đạo đức cách mạng: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Ba là, phải giữ kỷ luật “Bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình. Luôn luôn giữ gìn kỷ luật”.
Bốn là, đối với các hạng đảng viên thì số lượng đảng viên thì số đông là vì dân, vì nước mà vào Đảng, nhưng có một số vì lẻ khác mà vào Đảng, vì thế cần cảm hóa họ, dạy dỗ họ, nâng cao sự hiểu biết và lòng phụ trách của họ. “Đối với những người không chịu nổi khó nhọc, không chịu nổi nghiêm khắc mà xin ra khỏi Đảng, thì Đảng vẫn bằng lòng”. “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu.
Năm là, trong Đảng vì có những người chưa học được, làm được bốn chữ “Chí công vô tư” cho nên mắc phải chứng “Chủ nghĩa cá nhân”. Đó là thứ vi trùng rất độc gây ra các bệnh: tham lam, lười biếng, kêu ngạo, hiếu danh, thiếu bí mật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ v.v.. bệnh hữu danh vô thực, kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị, cá nhân, bệnh lười biếng.
Sáu là, Đảng ta không phải từ trên trời rơi xuống, Đảng ta ở trong xã hội mà ra. Nói chung, Đảng viên phần nhiều là tốt, nhưng vẫn còn một số chưa bỏ hết thói xấu mang từ xã hội vào Đảng. Đảng phải làm công việc giải phóng dân tộc to lớn, phức tạp, vì vậy phải có sức sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh để cho Đảng càng khỏe mạnh, bình an.
Bảy là, những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và từ đâu đến? Mỗi Đảng viên, mỗi cán bộ phải thật thà tự xét và xét cho đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà tự cố gắng sửa chữa và giúp nhau sửa chữa “thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”.
Tám là, đối với các khuyết điểm cần phân tích rõ ràng, cái gì đúng, cái gì sai, cần ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm; khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác tự sửa chữa những lỗi lầm; đoàn kết Đảng bằng sự đấu tranh nội bộ; nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng…
Đúc kết từ bài học quý báu này để vận dụng vào thực tiễn công tác ngay ở cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần hoàn thiện nhân cách phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.