Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thời gian qua các cấp Hội Nông dân (HND) Huyện Hồng Dân đã tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng nhiều công trình phần việc cụ thể, thiết thực đem lại kết quả thiết thực, góp phần cho cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các chi hội và hội viên.
Theo ông Ông Dương Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch HND huyện cho biết, những công trình phần việc đề ra luôn sát với thực tế của từng Chi hội. Điều này đã được thể hiện bằng những con số cụ thể, như: 100% Chi hội, hội viên nông dân lựa chọn những việc làm thích hợp để đăng ký làm theo; tất cả các cơ sở hội đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn của Hội như: Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, phong trào “Vườn – nhà xanh, sạch, đẹp” do Hội Nông dân huyện làm chủ công, … đã thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ Hội và hội viên tham gia, đã có tác dụng giáo dục to lớn đối với mỗi cán bộ,mỗi hội viên nông dân, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về giá trị tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” luôn được HND huyện xác định là một nhiệm vụ xuyên suốt. Trọng tâm của phong trào này là tạo điều kiện cho hội viên nông dân được tiếp cận, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy, cán bộ, hội viên nông dân trong huyện đã tích cực mở rộng và phát triển sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.
Cùng với việc trực tiếp thực hiện và phối hợp với các cấp, các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho cán bộ hội viên cơ sở và hội viên nông dân, hằng năm, các cấp hội còn tổ chức xây dựng hàng chục mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của từng gia đình hội viên. Qua đó để động viên, khuyến khích hội viên tham gia và phát triển các mô hình làm ăn có hiệu quả. Từ đây, nhiều mô hình đã được áp dụng và nhân rộng. Điển hình như mô hình nuôi ba ba, nuôi cá thác lác cườm, nuôi tôm càng xanh, nuôi các loài thủy sản nước lợ, nuôi một số loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao, … Các mô hình này tập trung nhiều ở các xã vùng chuyển đổi của huyện. Còn đối với vùng ngọt ổn định thì ngoài SX 3 vụ lúa/ năm, nhiều hội viên nông dân còn phát triển nghề trồng màu theo mô hình an toàn sinh học, mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng nấm rơm, trồng cây ăn trái, hay đan thảm lục bình,… Các mô hình trên đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho hội viên.
Để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế gia đình; hằng năm, HND huyện còn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và tranh thủ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình sản xuất vừa và nhỏ, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập kinh tế hộ. Ngoài ra, từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của huyện, các cấp Hội đã xem xét giải quyết cho hàng chục hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa tiêp cận với các nguồn vốn vay của các ngân hàng được vay để đầu tư vào sản xuất hoặc chăn nuôi hay mua bán nhỏ để góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Nhờ những việc làm thiết thực đó, hàng năm toàn huyện có trên 500 hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Một số HND cơ sở còn liên kết với các doanh nghiệp tín chấp vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho hộ hội viên nông dân.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp HND trong huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng vận động cán bộ, hội viên và nông dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; thực hiện nếp văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, … Đến nay toàn huyện có hơn 10.000 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ hơn 95% so với số hội viên của huyện.
Bên cạnh đó các cấp Hội còn vận động nông dân đóng góp tiền của, ngày công làm mới hàng trăm công trình ô đê bao khép kín và thủy lợi thủy nông nội đồng phục vụ cho việc sản xuất quanh năm ở 2 vùng sinh thái gồm vùng ngọt ổn định và vùng chuyển đổi của huyện. Các phong trào giao thông nông thôn do địa phương phát động cũng được hội viên nông dân tham gia tích cực và được xem là lực lượng nồng cốt trong phong trào. Để góp phần cùng huyện nhà chung tay xây dựng nông thôn mới nhiều gia đình hội viên, nông dân đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông và xây dựng trường học, ủng hộ tiền làm nhà cho người nghèo và nhiều phong trào khác mang lại hiệu ứng xã hội cao. Điển hình là hội viên Nguyễn Thành Trung ở ấp Cầu Đỏ, xã Vĩnh Lộc đã hiến hơn 4.500m2 đất để xã xây dựng trường học.
Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự thấm nhuần trong nhận thức mỗi cán bộ, hội viên nông dân, HND huyện tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân, góp phần đưa diện mạo của một huyện nông thôn từng bước phát triển đi lên theo định hướng nông dân giàu, nông thôn mạnh.
Quang Thái